Kỹ thuật an toàn lao động: Suýt mù mắt vì bất cẩn

30 tháng 10, 2013

Suýt mù mắt vì bất cẩn

Tưởng rằng hôm đó “vào cầu” vì kiếm được 300 ngàn đồng từ việc chặt thuê thân cây bị đổ, anh P.T.M (Phú Thọ) không ngờ mình lại phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Mắt T.Ư vì bị chấn thương do mảnh gỗ bắn vào mắt.
Ra Hà Nội kiếm việc làm, mỗi ngày anh M. chỉ kiếm được vài ba chục ngàn, có ngày chẳng được đồng nào. Hôm đó, mặc cả được món hời, anh hăm hở bắt tay vào việc. Đồ nghề của anh chỉ là chiếc rìu mà người chủ thân cây mượn giùm anh.

Loáng một cái, anh đã hoàn thành một nửa khối lượng công việc. Bất ngờ, anh bị một mảnh gỗ nhỏ văng vào mắt. Anh thấy mắt đau nhói nhưng tạm nghỉ một lúc thì đỡ hơn. Anh định tiếp tục công việc nhưng bà chủ thân cây không cho, kiên quyết đòi đưa anh đến bệnh viện khám ngay, vì mắt anh đỏ ngầu, chảy nhiều nước mắt.
Tại Bệnh viện mắt T.Ư, các bác sĩ đã phát hiện một dị vật nằm sâu trong giác mạc. Anh M. được tiến hành mổ cấp cứu, điều trị tích cực nên mắt đã dần trở lại bình thường.
Bệnh viện Mắt T.Ư cho biết, thời gian gần đây, số bệnh nhân bị chấn thương mắt đến khám và điều trị tại bệnh viện này có chiều hướng gia tăng.
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này: Tai nạn giao thông, dị vật bắn vào mắt khi lao động, bỏng axit, côn trùng... Đặc biệt, đa phần người bệnh là người trong độ tuổi lao động, bị chấn thương mắt do bất cẩn trong sinh hoạt và lao động.
Tổn thương khi bị chấn thương mắt rất đa dạng, tuỳ vào nguyên nhân. Mắt người bệnh bị sưng tấy, bỏng rát, chảy nước mắt, chói, nôn mửa, giảm thị lực... Ở mức độ nhẹ, chấn thương mắt chỉ ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ như rách da mí, rách kết mạc, nhưng nếu bị nặng thì người bệnh có thể bị giảm thị lực, thậm chí có thể bị mù vĩnh viễn, có trường hợp bị tử vong do nhiễm trùng nặng. 
Theo kinh nghiệm của các bác sĩ ở khoa Chấn thương mắt, Bệnh viện Mắt T.Ư, nếu bệnh nhân bị chấn thương mắt được đưa đến chuyên khoa mắt sớm, được sơ cứu tốt, điều trị kịp thời như anh M. thì tiên lượng bệnh khả quan hơn rất nhiều.
Bệnh nhân không nên tự lấy dị vật ra bằng cách dụi mắt, thổi hay dùng búp tre..., vì có thể gây tổn hại thêm cho mắt. Tuyệt đối không được đắp thuốc lá theo mách bảo của những người không có chuyên môn.
Tốt nhất, sau khi bị dị vật chui vào mắt, nên đi khám chuyên khoa mắt để được kiểm tra toàn diện. Để tránh dị vật chui vào mắt, nên đeo kính khi làm những công việc có nguy cơ bị tổn thương mắt do dị vật như xay  lúa, chặt cây, hàn sắt, chặt thép, cuốc đất...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét