Kỹ thuật an toàn lao động: An toàn PCCC cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ xen kẽ khu dân cư còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

3 tháng 11, 2013

An toàn PCCC cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ xen kẽ khu dân cư còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Trong những tháng đầu năm 2013, tình hình cháy trên cả nước và Thành phố Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, trong đó số vụ cháy, nổ xảy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư có chiều hướng gia tăng.


Tính từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 70 vụ cháy tại những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ trong các khu dân cư. Nguyên nhân cháy chủ yếu là do bố trí lắp đặt sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn PCCC, rò rỉ gas hoặc do thắp nhang thờ cúng, bố trí nơi đun nấu gần các vật liệu dễ cháy… Điển hình như vụ cháy cơ sở kinh doanh, buôn bán vàng mã tại nhà số 322 Hàn Hải Nguyên, Phường 10, Quận 11 vào lúc 22h 25 phút ngày 05/3/2013 làm chết 03 người, bị thương 01 người, gây cháy toàn bộ tầng trệt và tầng lửng của căn nhà. Tình hình cháy các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ trong thời gian qua tập trung vào một số nơi như Quận 1, 10 (08 vụ); Quận 11, Tân Bình (08 vụ); quận Bình Tân, huyện Bình Chánh (07 vụ).
Vụ cháy cơ sở kinh doanh, buôn bán vàng mã tại nhà số 322 Hàn Hải Nguyên, P10, Q11

Ngoài ra trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 06 vụ nổ tại những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ trong các khu dân cư. Nguyên nhân nổ chủ yếu là do bố trí lắp đặt, bảo quản và sử dụng các loại bình gas, nồi hơi, bình nén khí không đảm bảo an toàn PCCC; việc sử dụng, tồn chứa các loại vật liệu, hàng hóa, hóa chất nguy hiểm cháy nổ trái phép… Điển hình là vụ nổ ngày  24/03/2013 tại nhà dân 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 8, Quận 3, văn phòng Công ty Phim Lạc Việt, vụ nổ làm chết 11 người, 02 người bị thương. Thiệt hại về tài sản và nguyên nhân vụ nổ đang được điều tra làm rõ.

Nguyên nhân dẫn đến tình hình cháy nổ trong thời gian qua, qua phân tích đánh giá chúng ta nhận thấy có sự tác động của một số yếu tố sau: Số cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ trong khu dân cư do kinh tế khó khăn nên không có điều kiện tham gia vào các hoạt động PCCC cũng như việc đầu tư trang bị phương tiện PCCC tại cơ sở. Một số cơ sở có trang bị bình chữa cháy xách tay, đèn chiếu sáng sự cố, biển chỉ dẫn lối và đường thoát nạn trên các cửa ra vào, hành lang tuy nhiên qua kiểm tra các thiết bị trên không đáp ứng được yêu cầu cần thiết, do không có chế độ bảo trì bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến tình trạng xuống cấp, hư hỏng.

Công tác xây dựng, bổ sung và chỉnh lý phương án chữa cháy và cứu nạn – cứu hộ cho phù hợp với tình hình thực tế của một số lãnh đạo cơ sở chưa được quan tâm, nên không nắm bắt cụ thể những nội dung trong phương án dẫn đến tình trạng quản lý không sâu sát, lúng túng trong công tác phối hợp chỉ đạo tổ chức tự thực tập xử lý các tình huống còn đơn điệu chưa sát với thực tế.

Điều kiện sản xuất, kinh doanh, ăn ở và sinh hoạt chật hẹp; nơi đun nấu, thờ cúng gần sát các vật liệu dễ cháy cộng thêm vào đó là người đông, ý thức chấp hành các quy định về PCCC của một số lao động chưa cao dẫn đến tình trạng vi phạm gây mất an toàn phòng cháy và chữa cháy, sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn các phương tiện chữa cháy, cản trở lối thoát nạn là tình trạng chung của hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ nằm trong khu dân cư.

Hệ thống điện câu mắc tùy tiện, vỏ dây dẫn điện đã lão hóa mất khả năng cách điện, nhiều cơ sở vẫn dùng đồng hồ chung; thiết bị tiêu thụ điện chất lượng kém; bố trí lắp đặt các thiết bị bảo vệ và tiêu thụ điện, đường dây dẫn điện; hệ thống chiếu sáng để gần nơi để vật liệu dễ cháy. Công tác hướng dẫn cơ sở tự kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ nằm trong khu dân cư chưa được thực hiện và duy trì thường xuyên, chưa sâu sát, do đó theo thời gian nguy cơ gây tiềm ẩn gây cháy, nổ càng cao.

Thực trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ trong các khu dân cư hiện nay cho chúng ta thấy các cơ sở trên chủ yếu là dạng hộ cá thể hoạt động mua, bán các mặt hàng có nguy cơ cháy cao (vải, quần áo, đồ vàng mã, nhang, gỗ, hóa chất…) nằm đan xen trong các khu dân cư. Các cơ sở này diện tích từ 50m2 đến 200m2, thường tận dụng mặt bằng tầng trệt làm khu vực sản xuất, kinh doanh, kết hợp sử dụng diện tích còn lại làm khu sinh hoạt ăn, ở của gia đình. Ngành nghề hoạt động, kinh doanh chủ yếu là may mặc, gia công giày dép, gia công gỗ, ván ép, tạp hóa, hoạt động kinh doanh dịch vụ, thu mua phế liệu, nhà ngăn phòng cho thuê… Nhiều cơ sở vì lợi ích kinh doanh trước mắt nên chưa chú ý thực hiện tốt các điều kiện an toàn PCCC, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong sinh hoạt gia đình như: hút thuốc, thắp nhang thờ cúng, bố trí nơi đun nấu, bố trí lắp đặt sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo khoảng cách an toàn vẫn còn diễn ra dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn PCCC, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây cháy; nhiều khu dân cư mạng lướt giao thông nhỏ hẹp, việc lấn chiếm mặt đường, hẻm để sử dụng vào mục đích kinh doanh vẫn còn phổ biến gây khó khăn cho công tác triển khai chữa cháy khi có cháy, nổ xảy ra.

Để hạn chế đến mức thấp nhất các nguyên nhân và thiệt hai do cháy  gây ra trong thời gian tới chúng ta cần có những giải pháp PCCC sát với thực tế đồng thời tăng cường phối hợp đồng bộ của các ban ngành và đoàn thể.

Chính quyền địa phương các cấp cần có sự quan tâm, lồng ghép các nội dung tuyên truyền PCCC trong các cuộc họp tổ dân phố, để thông tin về tình hình cháy, nổ và những bài học kinh nghiệm trong công tác đảm bảo an toàn PCCC, nêu gương người tốt việc tốt trong công tác PCCC, ngoài ra còn phối hợp với các cơ quan truyền thông đưa tin bài, phim, ảnh, tranh cổ động và các hình thức tuyên truyền khác trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các địa phương cũng đã chủ động lên Kế hoạch tập huấn bổ sung nghiệp vụ PCCC cho ban điều hành khu phố, tổ dân phố, lực lượng dân phòng, bảo vệ Khu phố nhằm nâng cao hơn nữa kiến thức nghiệp vụ PCCC đảm bảo chế độ hoạt động thường trực và linh hoạt nếu có sự cố xảy ra, qua đó giúp cho những cơ sở sản xuất, kinh doanh và mọi người dân sống trong khu dân cư hiểu rõ rằng việc PCCC là lợi ích của chính mình và của cả cộng đồng xã hội, vì cháy xảy ra không chỉ gây thiệt hại trực tiếp đến tính mạng của con người, tài sản của nhân dân mà còn ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Chính quyền các địa phương tích cực phối hợp cùng các ngành chức năng, khảo sát thực trạng tình hình các khu dân cư có nguy cơ cháy cao giải tỏa các hộ dân kinh doanh, buôn bán lấn chiếm các hẻm trái phép để giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, chống cháy lan tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chữa cháy. Tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ có nguy hiểm cháy, nổ cao, ô nhiễm môi trường xen kẽ trong khu dân cưtập trung về các khu công nghiệp hoặc các cụm công nghiệp.

Xây dựng và củng cố các đội dân phòng tại mỗi khu phố, tổ dân phố, xóm, ấp. Kiện toàn bộ máy tổ chức lực lượng dân phòng theo mô hình thích hợp của từng địa phương, sẵn sàng đáp ứng công tác PCCC. Mỗi đội viên dân phòng phải là những người có trách nhiệm, có sức khỏe và phải được bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC một cách cơ bản, thường xuyên tổ chức tuần tra, phát hiện cháy sớm, báo cháy kịp thời và chữa cháy ban đầu hiệu quả. chính quyền các cấp cần xây dựng kế hoạch trích ngân sách địa phương để mua sắm trang thiết bị PCCC, thưc hiện chế độ đãi ngộ đối với đội viên PCCC và vận động, hướng dẫn chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ nằm trong khu dân cư tự trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp với thực tế tại cơ sở.

Hệ thống truyền tải điện phải được nâng cấp, các trạm biến áp đảm bảo điều kiện an toàn PCCC, đặc biệt là hệ thống điện trong các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao; khu dân cư có số lượng lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ: chủ động phối hợp với Phòng Cảnh sát PC&CC các quận, huyện hướng dẫn chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc bố trí, lắp đặt, sử dụng trang thiết bị điện phải đảm bảo độ an toàn, không câu mắc điện tùy tiện; hệ thống điện phải có thiết bị bảo vệ như cầu dao, áptômát tổng cho từng khu vực để đảm bảo xử lý kịp thời khi có sự cố chạm, chập hoặc quá tải xảy ra.

Người đứng đầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình tuân thủ các quy định, quy ước về PCCC, không để xảy ra cháy do vô ý, bất cẩn, biết những việc phải làm khi có cháy xảy ra. Chủ cơ sở phải có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở các thành viên trong cơ sở, trong gia đình đặc biệt là các cháu thiếu nhi tuân thủ tốt các quy định về PCCC. Bố trí sắp xếp bếp đun nấu an toàn, không kê bếp sát vách lá, sàn gỗ, vách gỗ, khi đun nấu hay thắp nhang phải có người trông coi; trước khi ra khỏi nhà phải tắt điện, không tồn trữ các chất nguy hiểm cháy, nổ như xăng dầu… trong gia đình đồng thời thực hiện đầy đủ các kiến nghị, hướng dẫn của Cơ quan Cảnh sát PCCC. Chủ động trang bị và bố trí các thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với tính chất hoạt động, kinh doanh tại gia đình và định kỳ bảo dưỡng đảm bảo hoạt động tốt khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Khuyến khích thành viên trong gia đình tham gia các lớp huấn luyện về PCCC và tham gia chữa cháy khi có yêu cầu.
Với việc triển khai đồng bộ một số giải pháp an toàn PCCC các cơ sở nhỏ lẻ ở khu dân cư, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành và sự tham gia tích cực, nhiệt tình của đông đảo quần chúng nhân dân công tác PCCC trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực góp phần mang lại bình yên cho nhân dân thành phố.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét