Kỹ thuật an toàn lao động: Báo động cháy nổ do hàn, cắt

13 tháng 11, 2013

Báo động cháy nổ do hàn, cắt

Khoảng 15 giờ 30 ngày 20/4/2013, một vụ cháy lớn xảy ra tại quán bar Barocco - một trong những quán bar lớn ở khu vực trung tâm thành phố - trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q3. Hàng chục xe chữa cháy bao gồm cả xe thang được huy động tham gia dập lửa trong điều kiện khó khăn do quán bar thiết kế kín mít. Cảnh sát phải đeo bình dưỡng khí đứng từ xe thang ngay trên cột khói phun nước xuống.
Theo thông tin ban đầu thì bar Barocco đang sửa chữa. Trong khi thi công, thợ hàn đã để tia lửa bắn vào nệm mousse cách âm tường. Không có thương vong nhưng vụ cháy này lại gióng thêm một tiếng chuông báo động cháy do nguyên nhân hàn, cắt kim loại.
Gần hai năm trước, ngày 29/7/2011, một vụ hỏa hoạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xưởng may giày ở thôn Đại Hoàng, xã Tân Dân, huyện An Lão, Hải Phòng làm 13 người chết tại chỗ và hàng chục người bị thương. Hai thợ hàn Lê Văn Bẩy và Nguyễn Văn Linh đều ở Hải Phòng, đến xưởng này hàn cột thu lôi chống bão, đã để các hạt xỉ hàn nhiệt độ rất cao rơi xuống các vật liệu dễ cháy phía dưới, gây cháy. Do xưởng may bịt kín bằng tôn, chỉ có một lối ra vào duy nhất là cửa chính, không có lối thoát hiểm nào khác, mà lửa lại phát sinh từ cửa chính nên khi xảy ra hỏa hoạn, chỉ có một số công nhân ở phía trước thoát được ra ngoài.
Tính riêng thiệt hại về người do cháy trong những năm qua tại Việt Nam, có thể nói hậu quả vụ cháy này chỉ đứng sau vụ cháy tại Trung tâm Thương mại quốc tế TPHCM (ITC) vào trưa 29/10/2002 làm chết 60 người, bị thương 70 người và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Nguyên nhân gây cháy ITC là do lửa hàn bắt vào mousse cách âm của vũ trường Blue. Khi xảy ra cháy, thợ hàn đã bỏ trốn làm cho tình hình thêm tồi tệ, do người trong tòa nhà không được báo động kịp thời để thoát hiểm.
 
Cháy bar Barocco
Ngoài những vụ trên, tại Việt Nam còn có khá nhiều vụ cháy khác liên quan đến hàn, cắt kim loại.
- Tại Nhà máy bia Việt Nam ở xã Tân Thới Hiệp, huyện Hóc Môn, TPHCM, gây thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng;
- Tại cơ sở Minh Đức chuyên sản xuất sơn dầu ở đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM (môi trường toàn chất rất dễ bắt cháy, cơ sở Minh Đức đã thuê thợ làm gác nhà (bằng đà sắt), sử dụng hàn điện nhưng không có những biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, khi thợ hàn thực hiện công việc của mình);
- Tại Công ty TNHH Thượng Thăng ở xã Tân Túc, huyện Bình Chánh, TPHCM thiệt hại khoảng trên 15 tỷ đồng (khi công nhân chuẩn bị cho việc hàn điện đã xảy ra ngắt mạch điện tại vị trí kìm hàn, làm phát sinh hồ quang điện gây nóng chảy dây điện và các vỏ bao nylon bọc các cuộn da, từ đó đám cháy phát triển ra các phía);
- Tại Công ty Cổ phần sản xuất - kinh doanh thép Thắng Lợi ở Hương lộ 80, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh làm một người tử vong;
- Tại Công ty dầu ăn Golden Hope Nhà Bè ở đường Gò Ô Môi, phường Phú Thuận, Q7, làm chết một người;
- Nổ sà lan ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An, làm chết năm người.
- Ngày 18-12-2012 xảy ra vụ cháy tại lầu 4 tòa nhà tổ hợp thương mại, nhà hàng, khách sạn BMC cao 15 tầng tại Trung tâm TP. Hà Tĩnh làm chết một người thợ hàn khi đang sửa chữa, nguyên nhân do quá trình hàn sắt nhóm thợ không đảm bảo an toàn về PCCC. 
Tùy từng loại chất sẽ có nhiệt độ bắt cháy, tốc độ cháy lan khác nhau nhưng nhìn chung tại những cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa như mousse, nhựa, nylon, giấy, da giày... đều chứa nhiều chất dễ cháy, cháy nhanh, cháy lớn, mức độ tỏa nhiệt cao và độc hại, nên việc chữa cháy sẽ khó khăn hơn. Do vậy, đối với những cơ sở này cần có quy định hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt về việc sắp xếp nguyên, vật liệu, hàng hóa, lắp đặt các trang, thiết bị PCCC cũng như về việc sử dụng lửa (nấu nguyên liệu hoặc hàn, cắt kim loại...), đồng thời bắt buộc phải có lối thoát hiểm, không thể bịt kín như trường hợp cơ sở may ở Hải Phòng nêu trên. Và, một khi đã xảy ra cháy, cần bình tĩnh xử lý để có thể dập tắt đám cháy ngay từ khi mới xảy ra, người gây ra cháy phải báo động cho mọi người biết, không được lén bỏ trốn như trường hợp các thợ hàn trong vụ cháy ở ITC và vụ tại cơ sở Minh Đức nêu trên.
Sở Cảnh sát PCCC TPHCM đã từng khuyến cáo chỉ sử dụng các dụng cụ hàn cắt đảm bảo an toàn; khi hàn cắt kim loại phải che chắn bằng các vật liệu chống cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt; tiến hành hàn cắt trên cao (từ 1,5 mét trở lên) cần chú ý có thể gây cháy ở phía dưới; không để xỉ hàn tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy; trong quá trình làm việc phải có người trông coi thường xuyên...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét