Nhiều vụ cháy liên tiếp xảy ra gần đây. Nguyên nhân phổ biến gây cháy,
nổ là sự bất cẩn trong khi hàn, cắt kim loại.
Nguy cơ cháy vẫn gia tăng
Trong 6 tháng đầu năm 2013 trên địa bàn cả nước đã xảy ra trên dưới 1000
vụ cháy, gây thiệt hại hơn 600 tỷ đồng; hơn 100 người chết và bị thương. So với
cùng kỳ năm trước, số người chết, bị thương tuy có giảm, nhưng số vụ và mức độ
thiệt hại lại tăng. Trong các vụ cháy, nổ xảy ra từ đầu năm đến nay đã có 70,7%
số vụ cháy đã được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, số vụ cháy còn lại đang
trong quá trình điều tra, xử lý. Trong số những vụ cháy đã điều tra làm rõ có
45,2% do sự cố thiết bị điện, hệ thống điện và sự cố kỹ thuật; còn lại phần lớn
là do sự bất cẩn của người dân.
Thợ hàn, cắt kim loại - thủ phạm của nhiều vụ cháy
Các vụ cháy lớn do thợ hàn cắt kim loại bất cẩn gây ra
có chiều hướng gia tăng. Trong quá trình hàn cắt kim loại thường phát sinh các
hạt kim loại nóng chảy bắn tung tóe ra xung quanh (nhiệt độ hạt kim loại bắn ra
lên tới hơn 1000°C) rất dễ gây cháy nếu gặp các vật liệu như bông vải sợi,
giấy, nệm mút (nhiệt độ bắt cháy khoảng 250°C). Đặc biệt, trong quy trình hàn,
cắt kim loại có dùng luồng ôxy với lưu lượng và áp lực lớn để thổi bạt lớp ôxít
kim loại và một phần kim loại nóng chảy ra ngoài, tạo ra những mồi dễ gây cháy,
nếu không được phát hiện kịp thời và có các biện pháp xử lý sớm, cháy sẽ bùng lên
và lan rất nhanh... Thế nhưng, không chỉ Hà Nội mà trên bình diện cả nước, rất
nhiều thợ hàn không qua các cơ sở đào tạo; công nhân không được tập huấn kiến
thức cơ bản về PCCC. Thậm chí, người trực tiếp hàn cắt kim loại nhưng không nắm
được tính chất nguy hiểm dễ gây cháy, nổ của công việc này. Do không được tập
huấn, lại thiếu kiến thức nên khi xảy ra cháy, thợ hàn thường hoảng loạn, không
biết cách sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt đám cháy ngay
khi mới phát sinh.![]() |
Hiện trường vụ cháy xảy ra ngày 25-5 tại KCN Đại Đồng, xã Hoàn Sơn (Tiên Du, Bắc Ninh)
Trong 6 tháng đầu năm 2013, đã có hàng chục vụ cháy lớn mà nguyên nhân
do thợ hàn bất cẩn khi thi công. Điển hình như vụ cháy xảy ra vào 12 giờ 15
phút ngày 11/3/2013, tại cửa hàng kinh doanh chăn-ga-gối-đệm, số 112-114 đường
Âu Cơ, phường Tứ Liên (Tây Hồ - Hà Nội) gây thiệt hại gần như toàn bộ hàng hóa
bằng mút, bông vải sợi.. tập kết trong diện tích khoảng 500m2 của cửa hàng.
Nguyên nhân vụ cháy là do thợ hàn bất cẩn khi làm việc, để hạt kim loại bắn vào
các vật dụng dễ cháy.
Hoặc vụ cháy xảy ra ngày 06/4/2013, tại Công ty May xuất khẩu Hà Phong,
huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã thiêu rụi 2 phân xưởng với diện tích khoảng
11.000m2; thiệt hại khoảng 1.500 xe gắn máy, xe đạp, 2.500 máy móc, thiết bị
các loại; 1,2 triệu sản phẩm quần áo đã hoàn thiện; 800.000m vải... Nguyên nhân
dẫn đến vụ cháy là do thợ hàn làm bắn các hạt kim loại vào nguyên liệu may mặc.
Tương tự là vụ hỏa hoạn xảy ra lúc 15 giờ ngày 20/4/2013 tại khu liên hợp
nhiều công ty ở địa chỉ 310/10B KP Đông Chiêu, phường Tân Đông Hiệp, TX Dĩ An,
tỉnh Bình Dương. Trong lúc một số thợ đang hàn trần xưởng may Mạnh Vân thì bất
ngờ lửa bốc cháy dữ dội...
Cần trang bị kiến thức cho người lao động
Những biện pháp cơ bản để "giảm nóng" tình hình cháy, nổ, là lực
lượng chức năng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm
tra, rà soát, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về PCCC, từ đó yêu
cầu các cơ sở, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo đảm đầy đủ các điều kiện an
toàn PCCC… Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, các
tỉnh, thành phố trên cả nước cần sớm có quy hoạch tổng thể các khu công nghiệp,
khu dân cư, hệ thống kinh doanh xăng, dầu. Trong quy hoạch, các địa phương phải
đặc biệt chú ý bám sát các quy chuẩn, quy chế về an toàn PCCC…
Tuy nhiên, yếu tố quyết định vẫn là ý thức, kiến thức PCCC của người lao
động. Khi hàn cắt kim loại nhất thiết phải che chắn, mọi vật liệu dễ cháy trong
khu vực phải di chuyển đi nơi khác, khi hàn phải có người trông coi, quan sát
cẩn trọng. Trong tuyên truyền, đặc biệt chú ý nâng cao nhận thức, trách nhiệm
về PCCC của cấp ủy, chính quyền các địa phương, người đứng đầu các cơ sở, doanh
nghiệp. Nhiều ý kiến đề nghị cần đưa nghề thợ hàn vào ngành nghề có điều kiện,
thợ hàn phải qua đào tạo về an toàn lao động và phải được cấp giấy phép hành
nghề.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét