Kỹ thuật an toàn lao động: Phòng tránh ngã cao

3 tháng 11, 2013

Phòng tránh ngã cao

Thời gian qua, trên các công trường thi công của ngành GTVT đã xảy ra nhiều trường hợp tai nạn lao động do ngã từ trên cao. Bài viết dưới đây sẽ phân tích một số nguyên nhân và cách phòng tránh.
Ngã cao là tai nạn rất phổ biến, đa dạng và thường xảy ra ở tất cả các dạng thi công ở trên cao như xây, lắp đặt, tháo dỡ cốp pha, lắp đặt cốt thép đổ đầm bê tông, lắp ghép các kết cấu xây dựng và thiết bị, vận chuyển vật liệu lên cao, làm mái và các công tác hoàn thiện (trát, quét vôi, trang trí…).
Chú ý đề phòng tai nạn lao động ngã từ trên cao
Chú ý đề phòng tai nạn lao động ngã từ trên cao
Khi công nhân làm việc ở xung quanh công trình hoặc ở các bộ phận kết cấu nhô ra ngoài công trình (mái đua, côngxôn, ban công, ô văng; khi làm việc trên mái, nhất là trên mái dốc, mái lợp bằng vật liệu giòn, dễ gãy vỡ (mái ngói, mái lợp, fibrô-ximăng); trên mép sàn, trên dàn giáo không có lan can bảo vệ.
Khi công nhân lên xuống ở trên cao (leo trèo trên tường, trên các kết cấu lắp ghép, trên dàn giáo, trên khung cốp pha, cốt thép, khi lên xuống thang,…; Khi đi lại ở trên cao (đi trên đỉnh tường, đỉnh dầm, đỉnh dàn, trên các kết cấu khác); Khi sàn thao tác hoặc thang bắc tạm bợ bị đổ gãy; Khi làm việc ở vị trí chênh vênh, nguy hiểm không đeo dây an toàn.
Theo các chuyên gia, những nguyên nhân chính gây tai nạn ngã cao là do công nhân làm việc trên cao không đáp ứng các điều kiện: Sức khỏe không tốt như thể lực yếu, phụ nữ có thai, người có bệnh về tim, huyết áp, tai điếc, mắt kém; công nhân chưa được đào tạo về chuyên môn hoặc làm việc không đúng với nghề nghiệp, bậc thợ; công nhân chưa được học tập, huấn luyện chưa đạt yêu cầu vể an toàn lao động
Hoặc do phiếu kiểm tra giám sát thường xuyên để phát hiện, ngăn chặn và khắc phục kịp thời các hiện tượng làm việc trên cao không an toàn. Thiếu hoặc không sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân như dây an toàn, giày, mũ  bảo hộ lao động... Không sử dụng các phương tiện làm việc trên cao như thang, các loại dàn giáo (giáo ghế, giáo cao, giáo treo, nôi treo…) để tổ chức chỗ làm việc và đi lại an toàn cho công nhân, trong quá trình thi công ở trên cao.
Sử dụng các phương tiện làm việc trên cao nói trên không đảm bảo các yêu cầu an toàn gây ra sự cố tai nạn do những sai sót liên quan đến thiết kế, chế tạo, lắp đặt và sử dụng; công nhân vi phạm nội qui an toàn lao động, làm bừa, làm ẩu trong thi công. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, công tác an toàn lao động cần được các cấp chính quyền cũng như công đoàn đặc biệt quan tâm.
An toàn khi lắp, tháo dỡ dàn giáo cần được chú trọng
An toàn khi lắp, tháo dỡ dàn giáo cần được chú trọng
Người làm việc trên cao phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau: Có giấy chứng nhận đảm bảo sức khỏe làm việc trên cao do cơ quan y tế cấp. Định kỳ 6 tháng phải được kiểm tra sức khỏe một lần. Phụ nữ có thai, người có bệnh tim, huyết áp, tai điếc, mắt kém không được làm việc trên cao. Có giấy chứng nhận đã học tập và kiểm tra đạt yêu cầu về an toàn lao động do giám đốc đơn vị xác nhận. Đã được trang bị và hướng dẫn sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc trên cao: dây an toàn,quần áo, giày, mũ bảo hộ lao động.
Công nhân phải tuyệt đối chấp hành kỷ luật lao động và nội qui an toàn làm việc trên cao. Nhất thiết phải đeo dây an toàn tại những nơi đã qui định. Việc đi lại, di chuyển chỗ làm việc phải thực hiện theo đúng nơi, đúng tuyến qui định, cấm leo trèo để lên xuống vị trí ở trên cao, cấm đi lại trên đỉnh tường, đỉnh dầm, xà, dàn mái và các kết cấu đang thi công khác. Lên xuống ở vị trí trên cao phải có thang bắc vững chắc. Không được mang vác vật nặng, cồng kềnh khi lên xuống thang. Cấm đùa nghịch, leo trèo qua lan can an toàn, qua cửa sổ. Không được đi dép lê, đi giày có đế dễ trượt. Trước và trong thời gian làm việc trên cao không được uống rượu, bia, hút thuốc.
Công nhân cần có túi đựng dụng cụ, đồ nghề, cấm vứt ném dụng cụ, đồ nghề hoặc bất kỳ vật gì từ trên cao xuống. Lúc tối trời, mưa to, giông bão, hoặc có gió mạnh từ cấp 5 trở lên không được làm việc trên dàn giáo cao, ống khói, đài nước, cột tháp, trụ hoặc dầm cầu, mái nhà 2 tầng trở lên.
Để phòng ngừa tai nạn ngã cao, một biện pháp cơ bản nhất là phải trang bị dàn giáo (thang, giáo cao, giáo ghế, giáo treo, chòi nâng, sàn treo,…) để tạo ra chỗ làm việc và các phương tiện khác bảo đảm cho công nhân thao tác và đi lại ở trên cao thuận tiện và an toàn. Để bảo đảm an toàn và tiết kiệm vật liệu, trong xây dựng chỉ nên sử dụng các loại dàn giáo đã chế tạo sẵn theo thiết kế điển hình. Chỉ được chế tạo dàn giáo theo thiết kế riêng, có đầy đủ các bản vẽ thiết kế và thuyết minh tính toán đã được xét duyệt.
Dàn giáo khi lắp dựng xong phải tiến hành lập biên bản nghiệm thu. Trong quá trình sử dụng, cần quy định việc theo dõi kiểm tra tình trạng an toàn của dàn giáo. Tải trọng đặt trên sàn thao tác không được vượt quá tải trọng tính toán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét