Kỹ thuật an toàn lao động: Tai nạn ngã cao trong xây dựng và giải pháp khắc phục

5 tháng 11, 2013

Tai nạn ngã cao trong xây dựng và giải pháp khắc phục

Tình hình TNLĐ nói chung và TNLĐ trong ngành xây dựng nói riêng những năm qua diễn ra rất phức tạp, số vụ tai nạn ngày càng gia tăng trong đó tai nạn lao động nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng làm chết người cũng tăng nhanh. Theo công bố của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2009 số vụ TNLĐ trong ngành xây dựng chiếm tỷ lệ cao nhất so với các lĩnh vực sản xuất khác, chiếm 51,11% trên tổng số vụ TNLĐ chết người.
Sở dĩ như vậy vì điều kiện lao động trong xây dựng có đặc thù riêng như địa điểm làm việc luôn thay đổi; Phần lớn công việc phải thực hiện ở ngoài trời, chịu ảnh hưởng của khí hậu thời tiết xấu; Nhiều công việc nặng nhọc phải thi công ở những vị trí không thuận lợi, có nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại... dễ phát sinh tai nạn lao động và làm suy giảm sức khoẻ người lao động, thậm chí gây ra bệnh nghề nghiệp.
Trên thực tế, trong số các tai nạn lao động thì ngã cao trong xây dựng chiếm tỷ lệ cao nhất, đồng thời ngã cao thường dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Tai nạn ngã cao rất đa dạng, qua nhiều nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm có thể xảy ra tai nạn lao động loại này xảy ra trong các trường hợp sau:
Ngã cao xảy ra nhiều nhất khi công nhân làm việc tại những vị trí xung quanh chu vi công trình, trên những kết cấu bộ phận nhô ra ngoài công trình (mái đua, lan can, hành lang, con xôn...). Ngã khi đang làm việc trên mái nhất là những vị trí có độ dốc lớn, mái lợp bằng những vật liệu giòn, dễ gẫy, vỡ...
Ngã cao cũng thường xảy ra khi công nhân di chuyển đến vị trí làm việc của họ (leo lên đỉnh tường, trên các kết cấu lắp ghép, trên giàn giáo, cốp pha, cột thép...). Giàn giáo không được lắp đặt đúng kỹ thuật (kê đệm, mặt sàn không chắc chắn...), không có sàn công tác hoặc sàn công tác không đảm bảo an toàn, do đổ ngã giàn giáo. Thực tế cho thấy, nhiều công trình, giàn giáo lặp dựng không phải là loại được thiết kế đúng tiêu chuẩn, hay giàn giáo được sự dụng đa mục đích hoặc được lắp đặt lẫn nhau, vượt tải trọng thiết kế... Những điều này khiến hệ thống không đồng bộ, bất ổn định dẫn tới các tai nạn đổ giàn giáo.
Ngã cao khi di chuyển trên đỉnh dầm, trèo qua cửa sổ, khi đứng làm việc trên thang, khi sàn thao tác bắc tạm, bị đổ gãy, khi làm việc ở vị trí chênh vênh, nguy hiểm không đeo dây an toàn.
Nói tóm lại ngã cao xảy ra ở tất cả các dạng khi thi công trên cao như xây, trát, lát, ốp, quét vôi, trang trí, khi lắp đặt và tháo dỡ giàn giáo, lắp dựng các kết cấu thép, cốt thép và các kết cấu lắp ghép khác, khi vận chuyển nguyên vật liệu trên cao, đặc biệt là ngã cao do vi phạm quy trình an toàn sử dụng thiết bị nâng (sử dụng máy vận thăng, tời nâng hàng... để vận chuyển người)
Những trường hợp ngã cao xảy ra thường xuyên và rất đa dạng, một vụ tai nạn cụ thể có thể do nhiều nguyên nhân gây ra song theo nghiên cứu của các nhà khoa học, có 2 nguyên nhân chính, đó là:
1. Nguyên nhân thuộc về công tác tổ chức: Người sử dụng lao động và người lao động chưa ý thức hoặc coi trọng đúng mực về tầm quan trọng của công tác huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động trên công trường. Nhiều doanh nghiệp do tiết kiệm kinh phí đầu tư đào tạo nên họ tuyển nhân lực theo mùa vụ tại các khu vực nông thôn, chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo hoặc có chăng cũng chỉ là thủ tục. Vì vậy khi bắt tay vào làm việc dễ phát sinh những sai phạm, vi phạm quy trình kỹ thuật an toàn và gây ra tai nạn lao động. Tiếp đó, là do bố trí những công nhân không đủ điều kiện làm việc trên cao, thiếu kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn và khắc phục kịp thời các hiện tượng làm việc trên cao thiếu an toàn. Ngoài ra, người lao động thiếu phương tiện bảo vệ cá nhân như giầy chống trượt, dây an toàn... hoặc trang bị không phù hợp.
2. Nguyên nhân thuộc về kỹ thuật an toàn: Trong thi công, các đơn vị không sử dụng các phương tiện làm việc trên cao như thang, giàn giáo để tạo ra chỗ làm việc và đi lại an toàn cho người lao động. Hoặc có sử dụng nhưng không đảm bảo các yêu cầu về an toàn nên gây ra các sự cố tai nạn mà chủ yếu các vi phạm thuộc các yếu tố sau:
- Sai sót trong thiết kế: Sơ đồ tính và tải trọng tác dụng, xác định không đúng với điều kiện thực tế thi công, các chi tiết cấu tạo và liên kết không đáp ứng với khả năng chịu lực.
- Sai sót trong chế tạo gia công: Sử dụng vật liệu kém chất lượng (cong, vênh, nứt, mọt, rỉ...) chế tạo không chính xác theo bản vẽ thiết kế, hàn nối liên kết không đảm bảo chất lượng.
- Trong lắp đăt, tháo dỡ: Giàn giáo đặt nghiêng, lệch tâm, không bố trí đủ và đúng vị trí các điểm neo giàn và công trình hoặc đặt trên nền đất yếu gây ra lún sụt, khi lắp giàn giáo không đeo dây an toàn , vi phạm trình tự lắp đặt và tháo dỡ.
- Vi phạm kỹ thuật khi sử dụng giàn giáo: Chất vật liệu quá nhiều tại một vị trí, tập trung đông người trên sàn thao tác gây quá tải, thiếu kiểm tra tình trạng của các phương tiện để có biện pháp thay thế, sửa chữa kịp thời các bộ phận đã hư hỏng, không lắp đặt lan can an toàn cho sàn công tác, thang lên xuống giữa các đợt của sàn thao tác...
- Máy móc thiết bị kém chất lượng, đã cũ hoặc hết khấu hao nhưng vẫn được tận dụng đưa vào lắp đặt sử dụng tại công trường...
Để giảm thiểu những tai nạn trên cao, các đơn vị thi công cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy phạm trong quá trình thi công đồng thời xây dựng nếp văn hoá trong công trường. Các đội thi công thường xuyên phải có những buổi trao đổi rút kinh nghiệm qua các vụ việc. Chú trọng đào tạo cán bộ chuyên trách về an toàn và chủ động trao cho họ quyền hạn cũng như chế tài nhằm kiểm tra, giám sát người và thiết bị trên công trường. Cần đầu tư thoả đáng cho công tác an toàn vệ sinh lao động, trang bị đầy đủ phương tiện phòng vệ cá nhân như giầy chống trượt, dây an toàn, mũ bỏ hộ, quần áo bảo hộ phù hợp với điều kiện lao động trên cao.
Đặc biệt, riêng về biện pháp kỹ thuật cần đáp ứng các yêu cầu như phải lập biện pháp thi công an toàn trên cao bao gồm biện pháp lắp, dựng, tháo dỡ giàn giáo, lan can, sàn thao tác lên xuống... đảm bảo yêu cầu kỹ thuật quy định và phải chạy thử tải. Có cầu thang để công nhân lên xuống và bố trí lao động hợp lý sao cho hạn chế di chuyển nhiều lần. Thang di động đảm bảo chắc chắn, không cong vênh, chiều dài của thang phải thích hợp với độ cao cần làm việc, đặt thang trên nền phẳng, ổn định và được chèn giữ chắc chắn. Dây an toàn buộc phải thử tải đạt yêu cầu mới đưa vào sử dụng. Mặt sàn công tác không được trơn trượt, tất cả các lỗ thủng được khắc phục bằng che đậy hoặc có lan can bảo vệ và ánh sáng đủ để công nhân làm việc. Khi làm việc trên mái có độ dốc lớn, cần sử dụng thang gấp đặt qua bờ nóc để đi lại được an toàn. Tuyệt đối không sử dụng giàn giáo, giá đỡ, nôi, thang... khi không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và điều kiện an toàn lao động như không đầy đủ các móc neo, dây chằng hoặc được neo vào các bộ phận có kết cấu kém ổn định như lan can, mái đua, ban công hoặc các vị trí chưa được tính toán về khả năng chịu đựng lực neo giữ. Nghiêm cấm đứng trên các kết cấu, cấu kiện lắp ráp chưa ổn định, lối đi lại trên các bộ phận lắp ráp phải tuân thủ tuyệt đối theo sự chỉ dẫn của thiết kế và phải có hệ thống chống sét đối với giàn giáo trên cao./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét