Kỹ thuật an toàn lao động: Kỹ thuật an toàn trong cơ khí và luyện kim

6 tháng 5, 2011

Kỹ thuật an toàn trong cơ khí và luyện kim

1. Những nguyên nhân gây TNLĐ trong cơ khí và luyện kim
1.1. Định nghĩa về những mối nguy hiểm trong CK và LK
Mối nguy hiểm trong Cơ khí và Luyện kim là những nơi phát sinh nguy hiểm do hình dạng, kích thước, chuyển động của các phương tiện làm việc, phương tiện trợ giúp, phương tiện vận chuyển cũng như chi tiết bị tổn thương trong quá trình lao động như kẹp chặt, cắt xuyên thủng, thủng, va đập, bắn té kim loại…gây ra sự cố tổn thương ở các mức độ khác nhau. Trên hình 2 giới thiệu các vùng nguy hiểm của các máy móc có thể gây ra TNLĐ.

1.2. Những nguyên nhân gây ra TNLĐ trong gia công nguội-lắp ráp-sửa chữa  
Do các dụng cụ cầm tay (cưa sắt, dũa, đục…) va chạm vào NLĐ hoặc NLĐ dùng ẩu các dụng cụ cầm tay (búa long cán, chìa khóa không đúng cỡ, miệng chìa đã biến dạng không còn song song nhau…)
Do các máy móc, thiết bị đơn giản (máy ép cỡ nhỏ, máy khoan bàn, đá mài máy...) có kết cấu không đảm bảo bền, thiếu đồng bộ, thiếu các cơ cấu an toàn.
Do gá kẹp chi tiết không cẩn thận, không đúng kỹ thuật, bố trí các bàn nguội không đúng quy cách kỹ thuật.
Do đá mài bị vỡ văng ra, chạm vào đá mài, vật mài bắn té vào… Do động tác và  tư thế thao tác không đúng .
Do thao tác các máy đột, dập không đúng quy trình, quy phạm về ATLĐ... 
1.3. Những nguyên nhân gây ra TNLĐ trong gia công cơ khí  
Trong máy công cụ, máy tiện chiếm tỷ lệ cao (40%) vì máy tiện được sử dụng khá phổ biến vì vậy nguyên nhân gây chấn thương đối với máy tiện là do tốc độ cao, phoi ra nhiều và liên tục, phoi ra thành dây dài, quấn và văng ra xung quanh, phoi có nhiệt độ cao, phoi vụn có thể bắn vào người đứng ở phía đối diện người đang gia công.
Khi khoan, mũi khoan lắp không chặt có thể văng ra, bàn gá kẹp phôi không chặt làm cho vật gia công bị văng ra.
Khi mài nếu đứng không đúng vị trí, khi đá mài vỡ có thể văng ra ngoài, tay cầm không chắc hoặc khoảng cách ngắn làm cho đá mài có thể tiếp xúc vào tay công nhân…
Các cơ cấu truyền động trong các máy công cụ nói chung như bánh răng, dây cu roa... cũng có thể gây ra tai nạn. áo quần công nhân không đúng cỡ, không gọn gàng...có thể bị quấn vào máy và gây nên tai nạn…
1.4. Những nguyên nhân gây ra TNLĐ trong đúc-luyện kim 
Kim loại lỏng ở nhiệt độ cao tạo ra bức xạ nhiệt lớn vào môi trường, cột hồ quang khi nấu luyện kim loại lỏng còn phát ra tia tử ngoại có năng lượng rất lớn có thể gây viêm mắt, bỏng da… 
Một nguyên nhân thường gây nên tai nạn phổ biến trong ngành luyện kim là bị bỏng do nước kim loại bắn tóe vào hoặc do các vật tiếp xúc với nước kim loại không được hong khô hoặc do khuôn đúc chưa sấy khô nên hơi ẩm bám trên các vật đó bị kim loại lỏng làm cho bốc hơi mạnh gây bắn tóe, thậm chí gây nổ do tăng thể tích đột ngột.
Trong việc làm sạch hệ thống rót và chặt ba via trên vật đúc cũng dễ bị xây xát chân tay do mặt xù xì và sắc cạnh của vật đúc gây nên.
Trong quá trình chuẩn bị nguyên vật liệu cho nấu luyện, sửa chữa thùng rót, máng đúc liên tục, quá trình nấu luyện…cũng dễ gây tai nạn. 
1.5. Những nguyên nhân gây ra TNLĐ trong hàn cắt KL  
Khi hàn điện có thể bị điện giật. Hồ quang hàn bức xạ rất mạnh dễ làm bỏng da, làm đau mắt. Khi hàn kim loại lỏng bắn tóe dể gây bỏng da thợ hàn và những người xung quanh 
Ngọn lửa hàn có thể gây cháy, nổ. Khi que hàn cháy sinh nhiều khí độc hại và bụi như CO2, bụi si líc, bụi măng gan, bụi ôxit kẽm,... rất có hại cho hệ hô hấp và sức khỏe của công nhân.
Khi hàn ở các vị trí khó khăn như: hàn trong ống, những nơi chật chội, nhiều bụi, gần nơi ẩm thấp hoặc hàn trên cao đều là những nguy cơ gây tai nạn…
Khi hàn hơi dễ  nổ bình hoặc sinh ra hỏa hoạn… 
1.6. Những nguyên nhân gây ra TNLĐ trong gia công áp lực  
Quá trình cán, rèn tự do hoặc dập thể tích thường tiến hành gia công ở trạng thái nóng do đó nhiều nguyên nhân gây nên tai nạn như bị bỏng, tiếp xúc môi trường nhiệt độ cao. Do vật rèn đang nóng ở nhiệt độ cao nên công nhân vô ý sờ, dẫm vào. 
Do cán búa tra vào không chặt nên búa dễ bị văng ra khi quai búa hoặc kìm kẹp không  chặt làm cho vật rèn bị rơi ra khi lấy ra khỏi lò.
Do đặt sai vị trí vật rèn trên bệ đe nên dễ bị văng ra khi dùng máy búa.
Do kẹp phôi và điều chỉnh khuôn khi dập trên máy không đúng dễ bị bung khuôn… 
2.Những yêu cầu chung về an toàn khi thiết kế các cơ sở SX 
2.1. AT khi thiết kế tổng mặt bằng
2.1.1. Yêu cầu AT-VSLĐ 
Khi chọn vùng đất xí nghiệp, việc bố trí các ngôi nhà và công trình trên đó phải chú ý tới hướng mặt trời và hướng gió chính, đảm bảo điều kiện chiếu sáng tự nhiên, thông gió các phòng tốt và chống bức xạ mặt trời. Các phân xưởng trong quá trình sản xuất làm thoát ra không khí các loại hơi khí độc phải bố trí về cuối hướng gió đối với vùng dân cư gần nhất và cách một khoảng từ 50¸100 m tùy loại xí nghiệp. 
Khoảng cách vệ sinh từ các kho vật liệu nhiều bụi đến các nhà sinh hoạt không ít hơn 50 m; các đường giao thông đi lại trong xí nghiệp phải bố trí theo đường thẳng, có mũi tên chỉ đường, bảng hướng dẫn và tín hiệu an toàn.
Đường cho các phương tiện vận chuyển phải đủ rộng, dọc hai bên đường phải có vỉa hè cho người đi bộ, chiều rộng tối thiểu là 1,5 m, vỉa hè phải lát gạch hoặc đổ bê tông và phải cách đường tàu tối thiểu 3 m.
Cần bố trí các hệ thống cống rãnh thoát nước đi kèm các đường đi lại trong xí nghiệp. Miệng các cống hầm, hào thoát nước cần có nắp đậy chắc chắn hoặc cọc rào ngăn cách bảo vệ.
Các phòng vệ sinh, hố xí không cách nơi sản xuất quá 100m và phải đủ số lượng theo tiêu chuẩn. Nhà tiểu nam và nữ phải xây riêng. Cũng cần có phòng hút thuốc riêng cho công nhân nghiện thuốc. Phòng hút thuốc bố trí không xa quá 100 m so với nơi sản xuất.
Ngoài ra, cần bố trí phòng nghỉ cho phụ nữ. Phòng nghỉ đột xuất và tạm thời cho phụ nữ nên bố trí gần trạm y tế và có đủ tủ thuốc, giường ngủ, vòi nước và có cửa cách âm… 
2.1.2. Yêu cầu PCCN
Khoảng cách an toàn phòng cháy phải đảm bảo theo quy phạm. Ví dụ khoảng cách từ kho chứa xăng dầu đến các công trình hay phân xưởng từ 30ữ50 m, khoảng cách từ trạm để các bình chứa khí cháy có dung tích 1000 m3 trở lên đến các phân xưởng từ 100ữ150m, để bảo vệ các bể chứa, khu vực kho chứa các chất lỏng cháy, người ta đào xung quanh các kênh rộng 2m, sâu 1m. 
2.2. AT khi thiết kế các phân xưởng SX  
Khi thiết bất kỳ phân xưởng sản xuất nào cũng cần chú ý tới các yêu cầu:
- Kích thước, diện tích, thể tích, chiều cao phân xưởng, cấu tạo mặt bằng phân xưởng, bố trí diện tích làm việc, máy móc, thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu... phải hợp lý đảm bảo an toàn.
- Chiều cao của phòng sản xuất không thấp hơn 3,2 m, tầng ngầm, phòng kho lớn hơn 2,2m.
- Khoảng cách giữa các máy > 1m, giữa các thiết bị chuyển động và nguy hiểm lên đến 1,5¸2 m, khoảng cách giữa các hàng thiết bị phải chừa lối qua lại rộng ít nhất 2,5 m.
Thiết kế phân xưởng nên cao ráo, sạch sẽ, sáng sủa, bố trí hệ thống thông gió, thoát hơi tốt, lợi dụng được ánh sáng tự nhiên tốt nhất. Phải có cách âm, cách rung động, cách nhiệt tốt. Các kết cấu về xây dựng của phân xưởng phải bền chắc về mặt chịu lực.
Cửa ra vào của các phân xưởng phải bố trí đủ rộng và thuận tiện để phân tán công nhân nhanh nhất phòng khi xảy ra các tai nạn cháy, nổ và các sự cố nguy hiểm khác.
Trong việc bố trí hướng trục của gian nhà, phải tránh chói nắng, tốt nhất là bố trí đường trục nhà theo hướng Đông-Tây. Để thông gió được tốt thì đường trục nhà nên bố trí một góc 450 với hướng gió chính trong năm của vùng đặt xưởng.
Các phân xưởng có độ ồn quá 90dB phải để riêng hoặc có lớp cách âm. Các thiết bị kỹ thuật sinh hơi độc hại đặc biệt phải bố trí ngoài nhà sản xuất.
Hành lang, đường hầm để cho người qua lại phải bố trí ngắn nhất, tránh các lối rẽ ngoặt, các bậc lên xuống để tránh va chạm bất ngờ hoặc bước hụt gây tai nạn. 
2.3. Cấp thoát nước và làm sạch nước thải 
Nước sau khi khi sử dụng trong sản xuất, nước thải sinh hoạt, nước mưa rơi trên mặt đất thường bị nhiễm bẩn, chứa nhiều tạp chất hữu cơ, vô cơ và vi trùng, do đó phải được thải ra khỏi xí nghiệp, đồng thời phải làm sạch nước thải trước khi thải ra sông để đảm bảo vệ sinh cho nguồn nước và sức khỏe cho nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét