Kỹ thuật an toàn lao động: Hiện trạng và giải pháp cải thiện MTLĐ tại một số DN đóng và SC tàu thủy

6 tháng 5, 2011

Hiện trạng và giải pháp cải thiện MTLĐ tại một số DN đóng và SC tàu thủy

1. ĐẶT VẤN ĐỀ  
Với đường bờ biển dài trên 3.200 km, nhiều sông dài và chi phí nhân công thấp, nước ta có một tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và Chính phủ cũng đã quyết định đưa đóng tàu trở thành một ngành xuất khẩu mũi nhọn. 
Tuy nhiên, trừ một vài nhà máy đầu tư công nghệ mới, nói chung ngành đóng tàu vẫn trong giai đoạn phát triển ban đầu do cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn và công nghệ thô sơ. Điều kiện lao động của công nhân ngành đóng tàu rất khắc nghiệt, lao động nặng nhọc và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây TNLĐ như điện giật, trượt chân, ngã cao, vật rơi, va đập, đứt chân, đứt tay... và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây bệnh tật cho NLĐ, thậm chí là BNN như bụi phổi-silic, điếc nghề nghiệp, viêm phế quản mãn tính. Hiện nay ở nước ta, bệnh bụi phổi-silic và bệnh điếc nghề nghiệp là hai loại BNN có số lượng người mắc cao nhất. Bên cạnh những tác động trực tiếp đến NLĐ, ngành công nghiệp này còn có những ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí và sức khỏe cộng đồng dân cư khu vực xung quanh từ công đoạn làm sạch bề mặt và sơn thực hiện ngoài trời. Đây cũng là một ngành thải ra lượng chất thải rắn khá lớn như vật liệu làm sạch bề mặt không còn sử dụng; bao bì và cặn sơn, dung môi; phế thải kim loại... Trong đó có những loại thuộc CTR độc hại. Những xưởng đóng tàu nào có cả bộ phận mạ và tẩy rửa bề mặt kim loại thì nước thải có chứa kim loại nặng độc hại và có thể mang tính axit hoặc kiềm cao.
2. HIỆN TRẠNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP ĐÓNG VÀ SỬA CHỮA TÀU THỦY 
Ô nhiễm MTLĐ trong ngành đóng và sửa chữa tàu thủy chủ yếu là ô nhiễm do bụi (bụi hạt mài mòn, bụi oxit kim loại), hơi khí độc, nhiệt, tiếng ồn. Các công đoạn sản xuất ô nhiễm nhất là làm sạch bề mặt bằng phun cát và cạo gỉ thủ công; công đoạn sơn; công đoạn hàn và cắt thép bằng máy hàn hơi. MTLĐ bị ô nhiễm nặng nề với nhiều vị trí làm việc có các thông số môi trường vượt TCCP. Đặc biệt, tại khu vực phun cát nồng độ bụi chứa silic tự do vượt tiêu chuẩn VSLĐ theo Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT hàng trăm lần. Có thể nói đây là vị trí làm việc có nguy cơ gây bệnh bụi phổi-silic rất cao cho NLĐ. Các mẫu bụi cá nhân cũng cho các giá trị nồng độ bụi rất cao, chứng tỏ NLĐ làm các công việc này phải tiếp xúc liên tục với không khí bị ô nhiễm bụi rất nặng. Công đoạn phun cát thường được thực hiện vào buổi tối, khi gió từ ngoài biển thổi vào, và phun theo chiều gió đã gây ÔNMT không khí khu vực dân cư xung quanh. Các mẫu bụi lấy tại khu dân cư, cách điểm phun cát 200m và 500m đều vượt giá trị cho phép theo tiêu chuẩn TCVN 5937:2005. Hầu hết tại các khu vực lấy mẫu nồng độ bụi oxit kim loại đều vượt cũng TCCP hàng chục lần. Đặc biệt, các mẫu bụi cá nhân tại công đoạn cạo gỉ trong hầm tàu cho các giá trị nồng độ bụi rất cao, cao hơn hẳn khi cạo gỉ bên ngoài. Phun cát và cạo gỉ trong hầm tàu còn phải chịu tiếng ồn, cao hơn TCCP từ 3 cho đến gần 20dBA. Làm việc trong hầm tàu vào mùa hè còn phải chịu ô nhiễm nhiệt với nhiệt độ không khí rất cao (44oC - 48,5oC), chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời khoảng 7oC đến 12oC; chỉ số nhiệt (Heat index - HI) từ 48 - 53oC (theo các hướng dẫn của nước ngoài, chỉ số HI trong khoảng 41oC - 54oC là ngưỡng nguy hiểm, có thể gây các triệu chứng như say nắng, co cơ, nếu tiếp xúc dài hoặc kết hợp với lao động thể lực có thể gây sốc nhiệt). Các số liệu đo đạc đã khẳng định, vị trí lao động nguy hiểm nhất, tiềm ẩn nhiều rủi ro là trong hầm kín. Làm việc trong hầm kín, NLĐ đồng thời phải tiếp xúc với bụi, hơi khí độc, tiếng ồn, nhiệt độ cao và đây chính là nguyên nhân gây ra các trường hợp bị sốc nhiệt, choáng hơi sơn, khói hàn xảy ra khá thường xuyên tại các doanh nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy. 
3. MỘT sỐ giẢi pháp cẢi thiỆn điỀu kiỆn làm viỆc và BVMT 

3.1. Giải pháp cải thiện ĐK làm việc
MTLĐ và điều kiện làm việc có thể được cải thiện thông qua việc áp dụng hoặc tăng cường các biện pháp quản lý AT-VSLĐ dựa trên 3 giải pháp kiểm soát chính như sau: 

3.1.1. Kiểm soát hành chính
Bao gồm việc bố trí thời gian lao động và công việc hợp lý; tổ chức giám sát môi trường và sức khỏe; nâng cao nhận thức cho NSDLĐ và NLĐ qua các hoạt động tập huấn, truyền thông; thành lập hoặc củng cố hội đồng BHLĐ, mạng lưới AT-VSV, tổ chức công đoàn... 

3.1.2. Kiểm soát kỹ thuật
Bao gồm việc thay thế hoặc loại bỏ hẳn các công đoạn hoặc các chất nguy hại; cách ly NLĐ; bao che nguồn độc hại; bổ sung các thiết bị an toàn như máy cắt điện tự động cho máy hàn hồ quang không tải, các loại giàn giáo và thang an toàn; tổ chức thông gió cho hầm tàu ... 

3.1.3. Kiểm soát bằng PTBVCN
Bao gồm các loại PTBVCN đối với cơ quan hô hấp, mắt, tay chân, da; trang bị an toàn như bình dưỡng khí, thiết bị báo động tự động chất ô nhiễm ... 

3.2. Giải pháp BVMT
Qua các số liệu khảo sát, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy có thể gây ÔNMT không khí, chủ yếu từ các công đoạn phun cát hoặc hạt nix và sơn ngoài trời, thải ra một lượng CTR lớn, trong đó có cả CTNH. Một số giải pháp BVMT không khí và quản lý CTR.  

3.2.1. Làm sạch bề mặt bằng phương pháp phun bi thép
Trong quá trình phun sẽ phát sinh một lượng bụi (các mạt sắt nhỏ, đất cát...) sẽ được hút và xử lý hai cấp: cấp 1 là xyclon để lọc những bụi có kích thước lớn, cấp 2 là thiết bị lọc bụi túi vải lọc bụi mịn. Với hệ thống xử lý theo một vòng khép kín, đồng bộ việc xử lý bụi tại công đoạn làm sạch bề mặt có thể đạt hiệu quả trên 99%. 

3.2.2. Làm sạch bề mặt bằng phun nước siêu cao áp
Đây là công nghệ làm sạch bề mặt bằng hệ thống nước siêu cao áp kết hợp với sơn chống gỉ Epoxy không chứa dung môi (ES301) để làm sạch bề mặt thép. Với hệ thống này, áp lực từ các tia nước phun ra khỏi súng có thể lên tới 2.500 bar. Với dải áp lực này, toàn bộ lớp vật liệu bám trên bề mặt kim loại sẽ được tẩy sạch và đưa chúng về trạng thái nguyên thủy. Ngoài ra, sơn ES301 không mùi, không độc nên không ảnh hưởng tới người sử dụng. Tuy nhiên, hai giải pháp này chỉ khả thi đối với các doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài do chi phí đầu tư cao.
Sơn có thể thực hiện ở mọi vị trí trên công trường đóng tàu, tùy vào đối tượng sơn mà sử dụng công nghệ từ hiện đại như phun tự động, phun khí nén đến thủ công bằng chổi sơn hoặc con lăn sơn. Dù đối với phương pháp nào, thực hiện ở đâu, giải pháp giảm thiểu ÔNMT không khí đầu tiên cần thực hiện là hiệu chỉnh thiết bị và công cụ sao cho lượng sơn sử dụng có hiệu quả cao nhất, vừa giảm ÔNMT vừa giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đối với sơn phủ thép tấm ban đầu nhằm mục đích bảo vệ thép trong suốt quá trình chế tạo con tàu, giải pháp chống ô nhiễm thường là sử dụng buồng phun sơn cỡ lớn. Tuy nhiên, ở giải pháp này, NLĐ làm việc trong buồng phun sơn cần được trang bị mặt nạ phòng hơi khí độc (hơi dung môi) và thiết bị cấp khí sạch. Đối với các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện thực hiện giải pháp này, cần thực hiện các giải pháp che chắn bằng các loại vật liệu đơn giản như tấm nhựa, vải bạt,...
Các CTR sinh ra trong quá trình đóng tàu bao gồm các CTR không nguy hại và CTRNH. Nếu thải thẳng vào môi trường không được xử lý sẽ gây ÔNMT nghiêm trọng, đặc biệt là các chất thải chứa các chất độc hại như dầu mỡ, kim loại nặng, sơn cũ. Nếu sử dụng công nghệ làm sạch bề mặt bằng cát hoặc hạt Nix thì lượng chất thải rắn phát sinh rất lớn. Các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí bằng phun nước áp lực cao hoặc phun bi cũng là những giải pháp giảm thiểu lượng CTR trong quá trình làm sạch bề mặt. Thông thường, sửa chữa tàu thường phát sinh nhiều CTR hơn đóng mới tàu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét